Tìm hiểu một số thủ thuật trong huấn luyện thú cưng

Yêu Cún

Sen cấp 5
Bài viết
1,435
Thích
665
Điểm
123
Best Tư vấn
0
Xu
640
Chủ Top
#1
“Ngồi, Milou, tao bảo mày ngồi! Làm ơn ngồi đi!”. Chú chó cưng vẫn không chịu ngồi, cho dù bạn đã khan cả giọng. Milou chỉ đứng một chỗ, nhìn bạn với cặp mắt to đầy ngạc nhiên rồi lắc lắc cái đuôi. Vậy mà chỉ mới hôm qua, hình như nó đã hiểu chữ “ngồi” khi cố gắng ngồi rồi đưa hai chân lên phía trước.

Sự không vâng lời của Milou khiến bạn nổi nóng khi không hiểu tại sao lại có những người có thể ra lệnh cho hổ nhảy qua vòng lửa, khiến cá heo phải lộn nhào, còn vẹt thì đạp xe ngon lành chiếc xe đạp bằng gỗ bé xíu. Tại sao họ lại khiến cho con vật phải ngoan ngoãn vâng lời, còn chú Milou của bạn thì không.

Thật ra, họ đều áp dụng chung một kiểu huấn luyện thú cưng đơn giản và hiểu được chúng muốn gì. Còn chúng ta lại quên rằng, một con vật, cho dù là chó, ngựa, mèo, chuột, vẹt, báo hay cá heo… không suy nghĩ như con người. Chẳng hạn, thú vật không bao giờ hành động để làm vừa lòng con người. Chúng chỉ hành động nếu đó là điều mang lại ích lợi cho chúng như để tránh một hình phạt bằng gậy hay được thưởng thức ăn, vuốt ve. Từ đó, có thể nhận biết rằng để huấn luyện thú cưng cần có hai cách khác nhau: bằng hình phạt hay bằng khen thưởng.

Thủ thuật huấn luyện thú cưng bằng hình phạt và khen thưởng


Cách thứ nhất đã được con người áp dụng khi bắt đầu thuần hóa thú vật, có thể diễn tả bằng câu này: “Hãy làm động tác này, nếu không… là hình phạt!”. Thường thì hình phạt phát ra trực tiếp từ tay người huấn luyện để buộc con vật phải lệ thuộc hoàn toàn vào con người. Không còn cách nào khác, con vật phải ngoan ngoãn nghe theo. Thế nhưng ngày nay, cách này chỉ còn được áp dụng trong các đoàn xiếc nhỏ. Cho dù công việc luyện thú có diễn ra trôi chảy cách mấy, nhưng hãy con chừng, có khi con sư tử cảm nhận được rằng trọng lượng trên 400 kg của nó có thể đè bẹp trọng lượng 80kg của người luyện thú, thì chắc hẳn tai họa sẽ xảy ra. Để tránh những tai nạn đáng tiếc này, nhiều đoàn xiếc đã cho thú dữ sử dụng thuốc an thần và tách hẳn các con thú lớn tuổi khỏi các con nhỏ tuổi

Cách huấn luyện thú cưng thứ hai – khen thưởng – dễ dàng hơn ngay cả với những con vật khổng lồ như cá voi, voi. Đây là kỹ thuật có thể áp dụng không những cho nhiều loài vật mà cả với trẻ con trong nhà. Đối với thú vật, kỹ thuật này khiến chúng tưởng rằng sở dĩ chúng vâng lệnh con người là vì lợi ích của bản thân chúng. Tuy nhiên, kỹ thuật huấn luyện thú cưng này cần phải có cách áp dụng riêng biệt với từng loài, và không thể bỏ qua những yêu cầu cơ bản. Đầu tiên con vật phải cảm thấy thật sự thoải mái, hưng phấn, không sợ hãi. Jacky Vernon, một người luyện ngựa và chim săn mồi tại đoàn xiếc Casacadeurs Associés của Pháp, cho biết: “Không nên tiến đến gần một con ngựa chưa từng được con người cưỡi bao giờ. Con ngựa chỉ quanh quẩn trong một chu vi nhất định được xem là ranh giới an toàn của nó. Chỉ có thể tiếp cận nó trong một góc độ khiến con vật dễ quan sát con người nhất. Góc độ này phải nằm trong hướng gió để con vật có thể quen dần với mùi người. Phải để con ngựa có thời gian quan sát con người và bớt sợ hãi”.

Đối với những con vật hung dữ có thói quen bảo vệ địa phận của chúng, tốt nhất là hãy để chúng thường xuyên tiếp xúc với con người, nhất là người trực tiếp huấn luyện, từ khi còn nhỏ. Đây cũng là lý do vì sao các đoàn xiếc chỉ luyện với các con thú bị bắt trong thiên nhiên khi còn nhỏ. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng không còn nguy hiểm với con người. Bà Arlette, giám đốc đoàn xiếc Arlette Gruss ở Pháp, cho biết: “Một con thú dữ vẫn luôn là thú dữ. Chúng không phải là bạn với con người, ngay cả khi gần gũi ngay từ nhỏ”.

Một khi con vật đã tỏ vẻ tin tưởng con người, cần tìm hiểu xem chúng thích làm công việc gì. Bà Arlette cho biết tiếp: “Tất cả những con cọp của đoàn xiếc chúng tôi không phải được luyện chỉ để làm một công việc như nhau. Trong tiết mục cọp nhảy qua nhiều con cọp khác đang nằm im dưới sàn thì con cọp có nhiệm vụ nhảy phải thật sự thích nhảy còn những con khác chỉ muốn nằm mọp xuống sàn. Chúng tôi phải cần mẫn quan sát để phát hiện xem một con thú có khiếu làm công việc gì rồi luyện tập để sắp xếp thành một tiết mục, có khi phải kéo dài cả năm trời”.

Tìm hiểu rõ về từng loại thú cưng để huấn luyện hiệu quả nhất


Thế nhưng trước khi bắt tay vào huấn luyện thú cưng, cần phải tìm hiểu xem loại khen thưởng nào mà con vật khoái nhất. Đa số các con vật đều thích thưởng bằng thức ăn mà chúng ưa thích. Tuy nhiên đối với loài như chó chẳng hạn, thức ăn không phải là phần thưởng duy nhất mà chúng còn cần được vuốt ve hay cho một món đồ chơi.

Còn đối với cá heo, loài vật rất tò mò, phần thưởng đối với chúng là cả một điều ngạc nhiên. Một con cá trích, một cái vuốt ve, một động tác chà trên lưng bằng bàn chải cũng khiến chúng vô cùng thích thú, và dĩ nhiên là tiếp tục vâng lời người luyện một cách tuyệt đối.

Sau khi đã tìm ra phần thưởng thích hợp với từng loài vật, cần phải lên kế hoạch tập luyện theo nhiều giai đoạn. Tiến triển của từng giai đoạn phải thật chậm. Chẳng hạn, để luyện một con cọp nhảy từ chiếc ghế đẩu này sang chiếc ghế đẩu khác, hay buộc phải đi trên một thanh gỗ nhỏ bắc ngang qua hai chiếc ghế trụ, thì phải làm thế nào? Công đoạn thứ nhất là cho cọp leo lên một chiếc ghế đẩu. Khi cọp làm đúng sẽ được thưởng một miếng thịt sống. Khi cọp đã thuần thục công đoạn này, người luyện thú sẽ để một chiếc đẩu thứ hai bên cạnh chiếc thứ nhất rồi treo một miếng thịt sống trên đầu một cây sào để phía trên chiếc ghế đẩu thứ hai rồi ra lệnh cho cọp nhảy qua. Nếu thành công thì cọp sẽ được thưởng một miếng thịt. Kéo xa hai chiếc ghế đẩu ra chừng nào thì độ nhảy của cọp càng phức tạp chừng đó. Đương nhiên cọp sẽ được thưởng nếu thành công. Nếu bất thần cọp nhảy xuống đất mà không nhảy từ chiếc ghế này qua chiếc ghế kia thì chẳng được thưởng gì cả. Và để được thưởng một miếng thịt, cọp buộc phải leo lên ghế và tiếp tục nhảy qua chiếc ghế kia.

Cần phải hết sức kiên nhẫn và tránh không làm con vật hoảng sợ hay buộc chúng làm việc quá nhiều. Ông Kobann, người luyện báo của đoàn xiếc Arlette Gruss cho biết: “Một buổi huấn luyện thú dữ không nên kéo dài quá 15 phút và không quá hai buổi mỗi ngày. Không tuân thủ quy định này sẽ khiến thú rối loạn tinh thần và không vâng lời nữa. Hậu quả là đôi khi một tiết mục phải tập luyện nhiều năm liền mới hoàn thành”.

Áp dụng cách khen thưởng để huấn luyện thú cưng là điều quan trọng. Nhưng mỗi người luyện thú đều có cách vận dụng riêng của mình và còn tùy thuộc vào từng loài thú. Người ta không luyện một con chó theo kiểu luyện sư tử hay cá heo. Nhưng đối với hầu hết các loài, ngoài việc khen thưởng, còn cần chứng tỏ uy quyền của người huấn luyện. Nhà luân lý học người Pháp, Michel Chanton, nhấn mạnh: “Để chứng tỏ uy quyền của mình, người luyện thú không cần áp dụng biện pháp mạnh mà chỉ cần lên giọng ra lệnh dứt khoát là đủ để buộc các con vật phải vâng lời”. Điều quan trọng nhất trong huấn luyện thú dữ là không được để chúng khống chế con người. Nhà luyện thú Kobann, cho biết: “Tôi chính là kẻ thống trị cả nhóm báo của đoàn xiếc”. Còn bà Arlette cho biết thêm: “Sử dụng roi vọt không phải là để đánh đập một con vật, đó chỉ là công cụ để người luyện thú ra lệnh cho con vật phải thực hiện bài tập mà anh ta đã cất công dạy nó”.

Cho dù có áp đặt quyền lực của con người vào các kiểu luyện thú hay không, thì các kết quả đều không giống nhau đối với từng loài. “Chỉ cần ra lệnh ba lần là một con cá kình hiểu rằng phải phóng mình lên khỏi mặt nước để đụng mõm vào cây sào trước khi được thưởng một con cá trích. Ngược lại, đối với cá mập, cần phải ra lệnh đi ra lệnh lại cả nghìn lần để nó có thể hiểu cần phải làm gì để được thưởng”, nhà luyện thú John Kershaw cho biết. Ngay cả đối với những loại cùng họ, gần giống với nhau về trí thông minh, cũng cho kết quả khác nhau trong tập luyện: Số hổ có thể huấn luyện để đóng phim chiếm tỷ lệ 50% trong khi đó tỷ lệ này là 20% ở sư tử và 3/100 đối với loài mèo. Trong khi đó, hầu hết loài chó qua luyện tập đều có thể đóng phim.

Có thể giờ đây bạn hiểu rằng vì sao chú chó Milou lại không chịu ngồi khi bạn ra lệnh. Đơn giản là vì bạn không hiểu nó muốn gì và phải dạy nó như thế nào để nó có thể ngồi mỗi khi bạn ra lệnh “Milou! Ngồi lên!”.



Nguồn Bacsithuy​
 

7 thông tin bất ngờ về loài mèo lạ Ragdolls
  • 5,821
  • 0
Ragdolls là tên một giống mèo với đôi mắt màu xanh dương tuyệt đẹp và bộ bông hai màu tương phản đặc trưng và được mô tả bằng 3 từ: to, đẹp và thân thiện. Với bộ lông mềm mại và hơi dài tương tự như mèo Ba Tư hoặc Angora, cơ thể khá lớn và tính...
Diễn đàn Thú cưng | Phụ kiện Thú cưng | Mua bán thú cưng
DMCA.com Protection Status
Top Dưới