Mèo Nuôi mèo đã dạy cho tôi điều gì về cuộc sống?

hacobi1102

Sen cấp 4
Mod
Bài viết
552
Thích
104
Điểm
63
Best Tư vấn
1
Xu
611
Pet
Pug mặt xệ
Chủ Top
#1


“I’m a proud cat mom”
(Tôi là một “bà mẹ mèo” tự hào)​

Tôi từng viết như thế trên bảng tin của trường vào Ngày Của Mẹ.

Không biết từ bao giờ việc có mèo trở thành một dạng “bản ngã” của tôi. Nghe thật khôi hài đúng không? Nhưng sự thật là tôi chưa bao giờ nhìn thấy bản thân mình trong tương lai mà không có mèo bên cạnh. Hồi nhỏ, tôi từng tưởng tưởng ra là sau này, nếu không có chồng, tôi sẽ trở thành một bà lão ngồi ghế gỗ dập dềnh đan khăn giữa một đàn mèo, con nọ con kia lít nhít chen nhau, đủ màu sắc, kích cỡ; bao nhiêu tiền lương hưu, trợ cấp tuổi già của tôi sẽ dành hết để mua đồ ăn cho chúng nó; già rồi răng rụng hết, tôi sẽ kèm nhèm đeo kính lão lên để tìm răng giả, rồi móm mém nhá cơm cho mèo ăn. Bạn thấy đấy, chồng có thể không có, nhưng mèo thì nhất định phải có một con.

Nói không ngoa chứ một trong những lý do đi du học của tôi chính là vì … mèo. Khoảng hơn 10 năm trước khi còn ở Việt Nam, tôi lần đầu tiên được phép nuôi mèo, một cô mèo trắng lông dài tên Salem. Hai năm nuôi Salem quả thực là một “ác mộng” vì tôi không thể ngăn được việc “ả” thường xuyên trốn nhà chạy ra ngoài đường chơi. Sáng nào cũng vậy, vừa tỉnh dậy là tôi hốt hoảng lên tìm mèo, tìm được thì không sao, không tìm được thì lại phải lang thang hết các hang cùng, ngõ hẻm kêu “meo meo”, toát mồ hôi lạnh nghĩ đến mấy chợ bán chó mèo rồi mấy quán “tiểu hổ” ngoài bờ đê. Cho đến một ngày kia, bố mẹ tôi cũng phải quyết định cho Salem đi để kết thúc chuỗi dài lo lắng, bất an của tôi. Đó cũng là ngày mà tôi quyết định mình sẽ chuyển đến sống ở một nơi khác tươi đẹp hơn () – nơi mà nhà cửa không có quá nhiều đường ngang, ngõ tắt, nơi mà người ta không ăn trộm mèo, không ăn thịt mèo, và không cười vào mặt mình khi đang lầm lũi dán bảng tin “Tìm mèo lạc”. Đó có thể là triết lý của một cô bé con, nhưng đã là một động lực đáng kể để tôi đặt chân đến nước Mỹ.

Nghĩ lại, thậm chí lý do tôi yêu và lấy chồng tôi hiện nay có thể cũng là vì… (bạn biết đấy!) mèo. Vì chúng tôi quen nhau trong hoàn cảnh tương đối đặc biệt và lại là yêu xa (#ourstory), thời gian đầu, tôi thường xuyên nghi ngờ liệu tình cảm Joe dành cho tôi có thực sự nghiêm túc. Bởi vậy, trong 1-2 năm đầu quen nhau, tôi rất ít khi mở lòng với anh ấy và hầu như đóng lại mọi cơ hội hẹn hò. Cho đến một ngày nọ,Scotty, chú mèo nuôi từ nhỏ của Joe ở bên Mỹ, mất vì bệnh thận. Đó là một ngày rất buồn, Joe gọi cho tôi giữa đêm, nói là Scotty ốm nặng, bác sĩ khuyên nên cho “mũi tiêm nhân đạo” để giải thoát Scotty khỏi đau đớn, vậy là Joe quyết định để Scotty ra đi. Anh ấy khóc “tu tu” từ phòng khám bác sĩ, trên xe về nhà, lúc tự tay chôn cất Scotty, và thậm chí đến tận khi nói chuyện trên điện thoại với tôi. Tôi là người thứ hai, sau bố/mẹ anh ấy, biết chuyện về Scotty. Đó không phải là lần đầu tiên tôi thấy một người đàn ông khóc, nhưng là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình như chạm được vào một nỗi đau đớn, mất mát còn thô nguyên, và tôi xúc động nhận ra tình cảm của Joe dành cho tôi là thật. Sau này tôi vẫn nói với chồng tôi rằng, Scotty ra đi là để cho chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Và đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thôi cảm ơn Scotty vì điều đó.

Muốn nuôi mèo là thế nhưng phải đến gần 2 năm sau khi đi du học tôi mới nhận nuôi chú mèo xám hiện nay, Friday. Câu chuyện nhận nuôi Friday tương đối dài, tôi sẽ kể sau trong bài viết này. Nhưng tóm gọn lại, cả quy trình nhận nuôi không khác gì apply cho chương trình Tiến sĩ vì nó cũng bao gồm 1 bài luận, 3 thư giới thiệu, cùng với chứng minh tài chính! Nhưng tất cả đều đáng giá, vì cuối cùng, tôi cũng có một chú mèo ngoan nhất, thông minh nhất, đáng yêu nhất, tình cảm nhất nhất trên đời (có phải “bà mẹ mèo” nào cũng nghĩ như vậy về “con” mình?). Đúng như tên gọi (được đặt theo nhân vật trong tiểu thuyết “Robinson Crusoe”), Friday đã là người đồng hành tuyệt vời của tôi trong những năm đầu làm nghiên cứu, sống một mình nơi đất khách, quê người. Nhưng trên tất cả, việc nuôi mèo đã dạy cho tôi nhiều bài học sâu sắc về cuộc sống mà chưa có một trải nghiệm nào tương tự có thể sánh được.

Nuôi mèo dạy cho tôi thế nào mới là đích thực “sống cho hiện tại”

Có lẽ không ai có thể sống cho hiện tại một cách tuyệt đối như động vật, đặc biệt là loài mèo. Mèo không cần quá nhiều thứ để hạnh phúc: một mái hiên nhà đủ che mưa che nắng, một tấm thảm cũ trải lên sàn để ngủ, một ngày 2-3 xúc đồ ăn đơn giản, thỉnh thoảng được vuốt ve, ôm ấp – đó đã là quá đủ. Nếu bạn muốn biết thế nào là hạnh phúc, hãy nhìn vào gương mặt của một chú mèo sau khi vừa ăn no hoặc lúc đang say ngủ. Gương mặt đó là biểu trưng rõ ràng của sự hài lòng tuyệt đối, thư giãn hoàn toàn, nhẹ nhõm, an nhiên – sản phẩm của một thứ hạnh phúc giản đơn, cho ta và chỉ riêng ta mà thôi.

Mèo cũng không có khái niệm về thời gian – chúng có thể ngủ cả ngày, cũng có thể thức chơi cả đêm. Nhưng hơn ai hết, chúng biết trân trọng từng phút, từng giây được hạnh phúc và có khả năng tìm ra niềm vui từ những những thứ tưởng như nhỏ nhặt, tầm thường nhất. Chúng hít hà từng cái vuốt ve của con người, liếm láp đến sạch bong những vụn nhỏ đồ ăn còn sót lại, ôm chặt lấy một góc chăn cũ mềm để ngủ, chơi với từng hộp giấy rách, cuộn len xơ … Mọi ngày đối với chúng dường như đều trôi qua trong yêu thương, bình yên, tin tưởng vào cuộc sống.

Những năm gần đây, tôi làm việc ở nhà nhiều. Có những khi công việc không được như mong muốn, cộng thêm nhiều áp lực từ cuộc sống, tôi chỉ muốn “đá thúng đụng nia”, tung hê tất cả. Nhưng mỗi lúc như thế, nhìn ra Friday ngồi bên cạnh, lúc thì ngủ khò khò, lúc thì nghêu ngao ngáp, đôi khi lại chóp chép cái mồm đòi ăn, tôi chợt bật cười: “Ô kìa, tại sao mình phải làm khổ mình như vậy? Cuộc sống thực sự có nhất thiết phải ngột ngạt, cạnh tranh đến thế để hạnh phúc?” Và tôi lập tức thấy bình tâm trở lại.

Tất nhiên, chúng ta không thể rũ bỏ mọi trách nhiệm “con người” để sống một cuộc đời vô ưu của loài mèo. Nhưng cuộc sống sẽ dễ chịu, nhẹ nhõm hơn nếu ta tập nhìn mọi thứ theo lăng kính của chúng, tập sống cho hiện tại, và tập nâng niu những mẩu hạnh phúc giản đơn, dù là nhỏ bé nhất.

Nuôi mèo dạy cho tôi rằng làm bố mẹ là phải học

Tôi vẫn thường nói (đùa) với các cặp đôi đang lưỡng lự việc sinh con là “Hãy thử nuôi một con chó/mèo trước đi!” vì nuôi động vật dạy cho bạn biết rất nhiều về tính cách người bạn đời, phần nào chỉ ra phong cách “dạy con” của các bạn, và là cơ hội thử nghiệm các phương pháp làm cha mẹ mà bạn muốn. Từ khi nuôi Friday, Joe và tôi dần “ngộ” ra là chúng tôi có những tính cách bố/mẹ đặc trưng, tức là bố thì nghiêm khắc, quát một cái là “con” rón rén, khẽ khàng, còn mẹ thì nhượng bộ chiều “con”, đôi lúc quà đà để nó mè nheo lấn tới . Cũng như các cặp bố mẹ khác, chúng tôi tranh cãi với nhau về phương pháp nuôi “con” và cũng vì “con” mà trở nên hiểu và gắn kết hơn.

Nhưng làm bố mẹ thực sự không dễ chút nào. Hồi nuôi Salem, tôi hầu như không có một kiến thức nào về kỹ thuật nuôi và huấn luyện mèo. Tôi nuôi mèo theo bản năng – chăm sóc mèo theo “dân gian” truyền lại, và trách mắng mèo hoàn toàn theo cảm tính. Nhưng khi nhận nuôi Friday từ trại mèo khi nó mới có 3 tháng tuổi, tôi đã được yêu cầu học bài bản về cách huấn luyện mèo từ non nớt đến trưởng thành, cách làm dấu cho mèo đi vệ sinh, cách kiểm soát thời gian ăn/ngủ của mèo, cách nhận biết thế nào là mèo ốm, cách chia sẻ cuộc sống với mèo… Đằng sau những thứ tưởng chừng rất bình thường như thế là cả một nền khoa học về động vật, thấm đẫm tình cảm và trách nhiệm của những người thực sự yêu và say mê “thú cưng ”. Đến nay đã 3 năm nuôi mèo, tôi và Joe vẫn phải học hỏi hàng ngày, không chỉ để trở thành “bố mẹ”, mà còn để trở thành “bố mẹ” tốt nhất cho Friday.

Tất nhiên, việc nuôi động vật (hay kể cả con cái) theo bản năng không phải là điều gì sai trái – không phải ai cũng có điều kiện để nghiên cứu mọi vấn đề cặn kẽ, khoa học trước khi bắt đầu làm bố mẹ. Và không phải cứ nuôi “sách vở” là tốt hơn nuôi bản năng. Tuy nhiên, là một người làm về Giáo dục, tôi ý thức được rằng có kiến thức khoa học sẽ khiến việc nuôi và dạy trở nên dễ dàng hơn cho cả hai phía và bản thân người nuôi cũng nắm được rõ hơn mặt mạnh và yếu trong phương pháp của mình. Vì vậy, nếu bạn đang nuôi hoặc có ý định nuôi động vật, hãy dành thời gian để tìm hiểu cơ bản về tập tính của chúng và chú ý quan sát hành vi của chúng hàng ngày để có can thiệp kịp thời khi cần thiết.

Nuôi mèo dạy cho tôi hiểu là “vạn sự tuỳ duyên”

Tôi vốn không phải là người duy tâm. Nhưng từ khi nuôi mèo, tôi tin rằng cũng như con người, động vật đến và đi trong đời ta đều vì một chữ “duyên”.

Khi bắt đầu có ý định nhận nuôi mèo tại Mỹ, có rất nhiều người khuyên tôi không nên vì nhận nuôi đồng nghĩa với nhận nhiều trách nhiệm – trách nhiệm phải yêu thương, bảo vệ, chăm sóc mèo suốt đời, trách nhiệm gửi mèo cho ai đó trông hộ khi đi vắng, trách nhiệm tài chính khi cáng đáng nhiều chi phí phát sinh vì mèo… Trong khi đó, tôi chỉ là một cô sinh viên ngoại quốc, lo cho thân mình có lẽ cũng còn chưa ổn. Nhưng hồi đó tôi rất quyết tâm. Tôi nghĩ đã đến lúc cần đưa một chú mèo vào cuộc đời mình, tôi cảm thấy đã sẵn sàng để chăm cho mèo, và tôi gần như khẳng định mình không thể bắt đầu cuộc đời Nghiên cứu sinh nếu không có mèo. Đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao minh lại quyết tâm đến thế. Có lẽ vì sâu thẳm bên trong, tôi có niềm tin là mình sẽ tìm được một chú mèo phù hợp nếu dám tìm ngay ở thời điểm đó.

Tôi thậm chí có cả miêu tả cụ thể về chú mèo mình muốn nuôi. Tôi nói với Joe (lúc đó mới chỉ là bạn trai) rằng tôi cần tìm một chú mèo đực, lông xám, thân hình như mèo Tây nhưng gương mặt nhỏ và tinh nhanh như mèo Ta. Joe mới kêu trời lên, bảo: “Em ơi em có yêu cầu cụ thể đến thế thì khó lắm, biết làm sao tìm được một con mèo chính xác như vậy!” Quả thực là rất khó, chúng tôi tìm mèo từ Craigslist miễn phí đến trung tâm lai giống đắt tiền, nhưng nhiều tháng trôi qua vẫn chưa tìm được chú mèo nào phù hợp.

Cho đến một ngày, khi chỉ còn cách đúng 1 tháng là tôi vào học Tiến sĩ, Joe chở tôi đến trạm xe buýt ở State College để làm vé tháng. Một cô lớn tuổi bán vé rất niềm nở ra tiếp chúng tôi. Trong lúc đang mua vé, Joe tình cờ nhìn thấy màn hình máy tính của cô ấy có hình mèo và vu vơ kể là tôi cũng đang có ý định tìm mèo nuôi. Cô ấy mới bảo, “Hai cô cậu đến ngay trung tâm cứu hộ mèo ở địa phương này này, họ tốt lắm, cứu trợ mèo con từ nhỏ, khám bệnh và tiêm chủng cho mèo rất đầy đủ trước khi đưa đến tay người nuôi” và tận tình chỉ cho chúng tôi địa chỉ. Tôi loáng thoáng nghe xong để đấy, cũng chưa có ý định đi xem ngay. Nhưng Joe thì khác, ngay chiều hôm đó, anh ấy đã giục tôi đi – “Cứ để xem thế nào!” – anh ấy nói. Vậy là không có một cuộc hẹn, cũng chẳng hề gọi điện trước, chúng tôi lái xe tới trung tâm cứu hộ mèo. Một bạn tình nguyện viên dẫn chúng tôi đi thăm hàng chục, hàng trăm con mèo đủ các chủng loại, màu sắc, kích cỡ đang chờ người nhận nuôi. Nhưng đến khi chúng tôi hỏi, bạn mới nói là cả trung tâm hiện nay chỉ có duy nhất một con mèo màu xám (!), và nó đang được cho đi tiêm. Chúng tôi ngồi đợi ở phòng chờ một lúc lâu thì người ta bế một em mèo đực màu xám vào thật – đó chính là Friday. Friday khi ấy bé tí xíu, chỉ vừa bằng lòng bàn tay nhưng nghịch kinh khủng khiếp. Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh Friday bé tí teo, gầy gò, run rẩy vì mới đi tiêm về mà dám chạy nhảy “điên cuồng” từ góc nhà nọ đến góc nhà kia, đụng vào món đồ chơi nào là chơi ngay món đồ chơi ấy. Nhưng khi tôi vừa bế lên, Friday lập tức bình tĩnh lại, nó rúc vào tay tôi đầy tình cảm. Ngay lúc đó, tôi đã cảm nhận được sự kết nối đặc biệt giữa hai chúng tôi, và tôi quyết định nộp đơn nhận nuôi Friday ngay chiều hôm đó. Sau khi được cho xem hồ sơ về Friday thì tôi mới biết là nó sinh ngày 25/5 – chỉ 2 ngày sau sinh nhật của tôi. Vì thế, tôi tin là chúng tôi thực sự có duyên với nhau.

Như đã viết, từ chỗ nộp đơn đến lúc được nuôi Friday là cả một quá trình. Sau khi trải qua quy trình nộp khắt khe không khác gì apply Tiến sĩ, tôi vẫn bị từ chối vì là người ngoại quốc. Có nhiều trường hợp sinh viên quốc tế đến học và nhận nuôi chó, mèo cho vui nhưng đến khi về nước lại bỏ lại để chúng lang thang, cơ nhỡ nên trung tâm không muốn giao Friday cho tôi. Đến lúc đó, sau khi viết email khẩn khoản nài nỉ không được, tôi đành phải nói rằng bạn trai tôi là người Mỹ và chúng tôi có ý định kết hôn, định cư nên sẽ có điều kiện chăm sóc Friday mãi mãi (mặc dù ở thời điểm đó cả hai chúng tôi đều chưa bàn đến vấn đề này ). Sau khi xác nhận thông tin từ Joe và họp lại nhiều lần, bên trung tâm cũng đồng ý cho tôi nuôi Friday. Yay! Ngày nhận nuôi Friday là một ngày vô cùng ý nghĩa đối với tôi, mặc dù Joe cứ theo sau chọc cười là nếu sau này anh ấy “xù” không cưới tôi nữa thì tôi cũng mất luôn cả mèo (một hình thức ép cưới ). Nhưng đúng là một khi đã có “duyên” rồi thì dù khó khăn đến thế nào cũng về được với nhau, điều này đúng cho cả tôi và Joe, cũng như cho chúng tôi và Friday.

Từ khi nuôi Friday, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua không biết bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn. Friday đi du lịch cùng chúng tôi đến khắp mọi nơi (New York, Boston, Orlando, Washington DC…); Friday trải qua mấy mùa Noel, Lễ Tạ Ơn cùng gia đình; Friday cũng ở đó an ủi khi chúng tôi lần đầu tiên mất một khoản tiền lớn; và Friday cũng chứng kiến chúng tôi buồn như thế nào khi Orion, chú mèo thứ hai của gia đình Joe, qua đời vì bệnh nặng…

Sau sự ra đi của Scotty, Orion, Salem, và cả lần Friday bị ốm suýt chết, tôi nhận ra rằng điều khó khăn nhất của việc nuôi động vật thực ra là việc phải chấp nhận chúng sẽ không ở bên ta mãi mãi. Mỗi lần nghĩ đến điều này, tim tôi lại đau nhói. Chúng tôi sẽ như thế nào nếu không có Friday? Nhưng vẫn là câu nói, “vạn sự tuỳ duyên”, mọi thứ sẽ đến và đi theo quy luật tự nhiên của nó. Từ khi ngộ ra được điều này (và học cách chấp nhận nó), vợ chồng tôi quyết định nâng niu mọi giây phút có Friday bên cạnh. Mỗi khi có thời gian chơi với Friday, chúng tôi chọn nhìn thật sâu vào mắt nó, vuốt ve nó, ôm ấp nó, hỏi xem một ngày của nó như thế nào?, nó có vui không khi sống cùng chúng tôi?, và chúng tôi có thể làm thêm điều gì để cuộc sống của nó được thoải mái hơn? Chúng tôi chọn sống 100% cho hiện tại, cùng Friday, và với Friday, cho đến khi nào còn có thể. Mỗi một ngày mới đến là một cơ hội để sống, để thương yêu.

***

Nếu bạn đã kiên nhẫn đọc được đến tận cuối bài viết này, tôi tin rằng bạn cũng là người có tình yêu lớn với động vật. Nếu bạn có may mắn được sống với thú cưng, hãy thay tôi gửi một cái ôm thật chặt lấy chúng, thay tôi nhìn vào mắt chúng và nói lời cảm ơn vì chúng đã có mặt trên đời này, và hãy cùng tôi sống cho hiện tại đầy thương yêu với chúng. Tôi cầu chúc cho cả tôi và bạn được ở bên thú nuôi của mình lâu nhất có thể, mong cái “duyên” của chúng ta kéo dài hơn kỳ vọng, và mong mọi điều tốt đẹp nhất đối với mọi cặp “bố mẹ” và “con”.

Thương yêu

Be Present,

Chi Nguyễn
 
Nguồn
Chi Nguyễn - thepresentwriter.com

7 thông tin bất ngờ về loài mèo lạ Ragdolls
  • 5,688
  • 0
Ragdolls là tên một giống mèo với đôi mắt màu xanh dương tuyệt đẹp và bộ bông hai màu tương phản đặc trưng và được mô tả bằng 3 từ: to, đẹp và thân thiện. Với bộ lông mềm mại và hơi dài tương tự như mèo Ba Tư hoặc Angora, cơ thể khá lớn và tính...
Diễn đàn Thú cưng | Phụ kiện Thú cưng | Mua bán thú cưng
DMCA.com Protection Status
Top Dưới